Khi còn bé, tất cả chúng ta đều mong muốn được trưởng thành
Có rất nhiều người, sau khi bước chân vào xã hội, trải qua rất nhiều sự việc khác nhau, họ trưởng thành và chững chạc hơn, sau đó lại quay lại nhìn những cô gái non nớt hơn mình rồi cười bảo: “Thật ngây thơ”.
Nụ cười ấy, vừa châm chọc, lại vừa khiêu khích biết bao.
Tôi không cảm thấy những cô gái đó hơn người, cũng không ganh tị với họ, bởi vì mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau. Những cô gái ngoan cường và thành đạt như thế họ đã trả giá rất nhiều, cũng đã đánh mất đi nhiều thứ mới có thể đạt được cái mà họ gọi là sự trưởng thành ấy.
Nhưng khi trưởng thành rồi lại cứ khát khao được bé lại
Thế nhưng tôi cũng không cảm thấy ngây thơ có gì xấu. Trong tất cả chúng ta, có mấy ai chưa từng trải qua những thời khắc ngây thơ nhất? Chúng ta đều đều đã từng nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, từng cho rằng tương lai tràn ngập những điều tốt đẹp, đều từng cảm thấy tình yêu chính là thiên trường địa cửu. Thế rồi chúng ta lớn lên, cuộc sống giữa người và người dần dần bào mòn đi những niềm tin ban đầu đơn sơ ấy. Vì cuộc sống, vì mưu sinh, chúng ta phải cười ngay cả khi chúng ta không thích, phải nói những lời thật sáo rỗng, những lời khen giả tạo, trét lên mặt lớp phấn dày cộm cùng với niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta đã trưởng thành, và sự đổi thay đó chỉ là tất yếu.
Thế nhưng tôi lại nghĩ, trưởng thành như thế, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất.
Ví như có một người cô gái, rõ ràng là rất ghét một phụ nữ khác cùng xóm. Thế nhưng mỗi khi gặp nhau, họ lại hàn huyên không dứt và cùng nhau thảo luận về chuyện xấu của một người hàng xóm khác. Hành động như thế có gì vui chăng?
Thế giới của trẻ thơ mới là nơi đáng ngưỡng mộ nhất
Lại ví như một nhân viên lão làng nọ, tuy vô cùng chán ghét con bé cấp dưới của mình, mỗi lần gặp lại vỗ vai gọi chị xưng em, nhưng quay lưng đi lại cười cợt với những người khác rằng mong con bé nghỉ sớm đi cho khuất mắt. Rõ là không ưa nhau đến thế, sao lại phải cố gắng chịu đựng nhau?
Tôi luôn cảm thấy thế giới của người lớn thật đáng sợ, tựa như mỗi người đi trên đường đều mang trên mình một chiếc mặt nạ, cười hay khóc, vui hay buồn, sau cùng chỉ có bản thân người đó biết. Đêm đến lại vật vã giam mình trong nỗi ám ảnh và phiền muộn hữu hình mang tên vật chất, mang tên con người, cam lòng chịu đựng rồi lại tự cảm thấy rằng bản thân mình rất đáng thương. Sáng hôm sau lại đeo mặt nạ vào, tiếp tục một quãng hành trình mòn mỏi thê lương trong tuần hoàn.
Tôi nghĩ, nếu như sự trưởng thành bắt buộc phải là như thế, vậy thì tôi không cần.
Trên đời này có bao nhiêu người có thể giữ được niềm tin thuở ấy, bao nhiêu người có thể không vì cuộc sống mà đổi thay? Hẳn là những người trưởng thành sẽ cho rằng suy nghĩ của tôi là buồn cười lắm, nhưng hãy thử nhìn lại, một khi phải tự ép mình phải thay đổi, tự ép con người mình trở thành một người khác, bản thân bạn có hạnh phúc hay không?
Trưởng thành bắt buộc con người phải thay đổi sao?
Thật ra tôi cho rằng mình không phải sợ sự trưởng thành, mà là sợ hãi sẽ có một ngày mình thay đổi, trở thành một người mà mình từng rất ghét trong quá khứ.
Thế gian này vạn vật xoay vần, không ai có thể ngăn trở việc mình sẽ dần già đi, dần trở thành một người khác. Tôi chắc chắn rằng hôm nay mình đã không còn là tôi của ngày hôm qua, cũng không dám khẳng định ngày mai mình sẽ không thay đổi, thế nhưng ngay khi còn có thể, tôi hy vọng mình vẫn có thể mãi mãi như thuở ban đầu, bởi vì sống trên đời này, mấy ai còn được mấy lần ngây thơ?